Hình ảnh tai nạn được thành viên nhóm facebook OFFB chia sẻ cho thấy, sau va chạm, chiếc gương của ô tô do nữ tài xế điều khiển bị vỡ, trong khi cụ ông đi xe máy loạng choạng mất kiểm soát tay lái làm chiếc xe bị đổ xuống đường.
Hình ảnh vụ tai nạn thu hút hàng chục bình luận từ thành viên nhóm OFFB, trong đó nhiều ý kiến nhận định, cụ ông điều khiển xe máy vượt ẩu, thiếu quan sát khi chuyển làn và may mắn không bị thương.
Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải (khoản 2, điều 14, Luật giao thông đường bộ).
Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
Luật giao thông đường bộ cũng quy định, các trường hợp không được vượt xe khi không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 14, Luật giao thông đường bộ; Trên cầu hẹp có một làn xe; Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế…
Theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt.
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vượt bên phải trong trường hợp không được phép.
Với hành vi vượt xe trong những trường hợp không được vượt, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt từ 600.000 đồng -1.000.000 đồng.
No comments:
Post a Comment